Thời điểm tốt cho các nhà đầu tư dài hạn
Ông Takashi Fujii |
Ông nhận xét gì về thị trường chứng khoán trong thời gian qua?
Theo tôi thị trường chứng khoán đã đi đúng chu kỳ nó: cái gì lên quá cao thì đến một thời điểm nào đó đương nhiên phải đi xuống. Giá chứng khoán đã lên quá nóng và không phản ánh đúng giá trị thực tại của các công ty nên cuối cùng phải trở về với bản chất thật của nó.
Ý ông muốn nói rằng, đây là hậu quả tất yếu của việc thị trường tăng trưởng quá nóng trước đó?
Nhiều người nói đến việc tăng trưởng nóng như một yếu tố tiêu cực nhưng trên thực tế, tăng trưởng nóng cũng có đầy đủ 2 mặt tích cực và tiêu cực. Mặc tích cực là thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp đi nhanh hơn. Cô thấy đấy, chỉ trong một thời gian ngắn hàng loạt công ty đã được cổ phần hóa. Tuy nhiên, vì nó quá nóng và không đi sát giá trị thực nên phải có sự điều chỉnh. Và khi sự chỉnh sửa lại rơi vào đúng lúc bối cảnh toàn cầu có nhiều yếu tố bất lợi như lạm phát (toàn cầu chứ không phải chỉ ở VN), giá cả trên thế giới tăng vọt, ảnh hưởng tới đầu vào của các công ty khiến cho chi phí tăng, chi phí tăng thì lợi nhuận đương nhiên bị giảm sút. Lợi nhuận giảm thì phải được phản ánh và nó phản ánh rất rõ ràng qua giá chứng khoán.
Nhưng thị trường vừa qua cũng đã có chục phiên tăng điểm liên tục, ông đánh giá thế nào về sự trở lại bất ngờ này?
Tăng là một dấu hiệu tốt nhưng nói là hồi phục thì hơi sớm. Đến thời điểm này, chưa có đủ yếu tố hỗ trợ để nói là thị trường đã phục hồi. Lạm phát vẫn cao, lãi suất ngân hàng vẫn cao...Tôi cho rằng sự trở lại này mang nặng dấu ấn tâm lý của các nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán đã mất điểm trên 70% giá trị, theo ông thị trường hiện nay đã chạm đáy chưa?
Tôi đã về VN từ năm 2000, lúc đó VN Index đang là 100 điểm, vèo cái lên 500 sau đó hạ xuống 200 và lình xình ở mức đó tới 3 năm. Tôi không áp đặt quá khứ lên hiện tại nhưng với một thị trường còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi yếu tố tâm lý của nhà đầu tư cá nhân thì rất khó để tiên đoán.
Sau tăng trưởng nóng, ông có cho rằng thị trường chứng khoán VN đang đi vào đường ray của việc phát triển bền vững?
Tôi nghĩ là như vậy. Đây là thời gian mà các nhà đầu tư sẽ phải sửa đổi lại tư duy và tầm nhìn. Cái gì là giá trị thực, là cốt lõi; hiểu thế nào là rủi ro trong đầu tư để có quyết định chính xác hơn trong việc đầu tư của mình.
Vậy theo ông, đây có phải là thời điểm đầu tư tốt?
Tốt cho những nhà đầu tư dài hạn.
Và Dai-ichi Life Việt Nam có định tận dụng cơ hội này để lấn sân sang lĩnh vực chứng khoán?
Bảo hiểm là một ngành bảo thủ. Khi bán một sản phẩm thì bảo phí phải cố định. Thời gian hợp đồng thì dài, để ấn định được bảo phí thì lợi nhuận phải cố định. Lợi nhuận cần cố định trong khi giá thị trường, nhất là giá chứng khoán lại lên, xuống nên quan điểm của chúng tôi cũng phải đầu tư bảo thủ. Vì vậy, trước khi đầu tư sang một lĩnh vực nào đó, bao giờ tôi cũng đặt ra một bài toán. Giả sử tôi đang quản lý 100 triệu USD, nếu tôi trích ra 1% hay 2% để đầu tư chứng khoán, trong trường hợp xấu nhất là mất hết số tiền đó cũng không ảnh hưởng gì đến quyền lợi khách hàng hay tính thanh khoản của công ty, lúc đó chúng tôi mới làm. Trở lại với Dai- ichi Life Việt Nam, từ trước tới nay chúng tôi vẫn tập trung vào trái phiếu, tiền gởi ngân hàng...Chúng tôi cũng đã nhìn thấy cơ hội này và đang chờ đợi đúng thời cơ để đầu tư theo phương châm “mua rẻ, bán đắt” một cách chắc chắn nhất.
Đầu tư bảo thủ, một cụm từ rất mới đối với tôi. Cụ thể Dai-ichi Life Việt Nam sẽ đầu tư bảo thủ như thế nào, thưa ông ?
Đối với nước ngoài, những ngành liên quan đến nhu cầu hàng ngày của con người, cho dù kinh tế có đi lên hoặc xuống đều ít bị ảnh hưởng như công nghiệp thực phẩm được xem là bảo thủ và điều này phù hợp với tiêu chí đầu tư của chúng tôi. Với 72% dân số làm nông nghiệp, đây chính là thế mạnh của VN và trong tình hình lương thực toàn cầu đang bị khan hiếm hiện nay, tôi đã và luôn muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Phát triển của những ngành này có thể không cao nhưng lại thiết yếu trong nền kinh tế. Chúng tôi dự kiến sẽ tập trung nghiên cứu lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm trong tương lai.
Những yếu tố không thuận lợi của nền kinh tế có ảnh hưởng tới sự phát triển các sản phẩm bảo hiểm của Dai-ichi Life Việt Nam không, thưa ông?
Nhiều người so sánh, lạm phát cao mà bảo hiểm trả bảo tức như vậy thì không hấp dẫn nhưng bảo hiểm thì dài hạn còn lạm phát thì chỉ trong ngắn hạn. Tôi nghĩ là nhiều người đã lo hơi quá. Có thể nói, đến thời điểm này, nhận thức về bảo hiểm của nhiều người đã khác hơn thành ra từ đầu năm tới giờ chúng tôi vẫn tăng trưởng tốt, trung bình khoảng 30- 40% trong việc khai thác sản phẩm mới. Vấn đề là làm thế nào để ra được sản phẩm mới hơn, phù hợp hơn với tình hình của VN.
Và ông đã có sản phẩm đó chưa?
Sau khi rà soát lại những sản phẩm hiện có cũng như nghiên cứu thấu đáo nhu cầu của thị trường, chúng tôi đã cho ra mắt thị trường sản phẩm bảo hiểm “An-Lộc Tích lũy Gia tăng” vào đầu tuần qua. Sản phẩm này có thể mang đến cho khách hàng tổng quyền lợi bảo đảm tính đến thời điểm đáo hạn hợp đồng lên đến 236% đối với hợp đồng có thời hạn 20 năm. “An-Lộc Tích lũy Gia tăng” còn được thiết kế với 4 thời hạn hợp đồng 8; 12; 16 hoặc 20 năm để khách hàng có thể linh hoạt lựa chọn sao cho phù hợp nhất với mục tiêu tài chính của mình trong tương lai.
Để thuyết phục khách hàng về sự khác biệt giữa sản phẩm của Dai-ichi Life Việt Nam với các sản phẩm bảo hiểm cùng loại khác, ông muốn nhân viên của mình nói gì?
Một sản phẩm có chất lượng tốt, nhiều công ty có thể bắt kịp nhưng tinh thần phục vụ, thái độ tiếp cận chính là điểm khác biệt giữa các công ty. Chất lượng Nhật Bản thì ai cũng biết. Nói đến chất lượng sản phẩm, người ta nghĩ đến Honda, Sony...Nhưng không chỉ có sản xuất, chế tạo mới làm được điều đó, sứ mạng của chúng tôi là xây dựng một Dai-ichi Life mà khi nhắc tới người ta cũng nghĩ ngay đến chất lượng, uy tín và tinh thần phục vụ mà công ty bảo hiểm này mang lại.
Nguyên Hằng