Chuyên mục Kỹ năng làm cha mẹ - Rèn luyện tính kỷ luật cho con

23/09/2009

Chia sẻ bài viết:

Trường hợp của Thanh Tiến là một ví dụ. Vốn là cháu nội đích tôn nên Tiến được bà nuông chiều hết mực. Muốn ngủ lúc nào cũng được, muốn xem chương trình tivi đến mấy giờ bà cũng cho; khi cậu trò chuyện hay hỏi han người lớn thì chẳng bao giờ có chủ ngữ hay đại từ, bà cũng không hề nhắc nhở... Quan sát thấy điều này, mẹ cậu bé âm thầm tạo lập kỷ luật cho đứa con quý tử.

Đơn giản bắt đầu từ việc nếu Tiến hỏi trống không, mẹ sẽ giả vờ không nghe. Đến khi cu cậu nổi đóa hỏi thật to: "Sao mẹ không trả lời con?" thì mẹ mới đáp: "Con hỏi mẹ à? Mẹ có biết con hỏi ai đâu?". Không những thế, khi trò chuyện với Tiến hay với người trong gia đình trước mặt con, mẹ cậu bao giờ cũng làm gương bằng cách nói có nêu danh, thứ bậc và thưa gửi rõ ràng. Nhiều lần lặp lại, hành vi "nói trống không" của Tiến được điều chỉnh, cậu bắt đầu biết xưng hô khi giao tiếp với mọi người theo thói quen được mẹ xác lập.

Trên thực tế, việc con trẻ không tuân thủ kỷ luật phần nhiều là do người lớn. Tâm lý thương con nên thông cảm, suy nghĩ cứ từ từ mà dạy, lý luận theo kiểu con mình còn nhỏ có rèn giũa thì cũng chẳng được gì... khiến cha mẹ lần lữa việc rèn luyện tính kỷ luật cho con. Khi những yêu cầu rất đơn giản về hành vi và thói quen trong đời sống thường nhật như: ăn uống đúng, chế độ sinh hoạt giờ nào việc nấy, đánh răng trước khi ngủ, xếp mùng mền khi thức dậy... nếu không thực hiện thường ngày thì rất khó đòi hỏi trẻ tuân thủ những yêu cầu khắt khe hơn khi bước vào đời! Để trẻ tuân thủ kỷ luật, không thể chỉ bắt đầu bằng việc nhận thức mà hãy bằng lời nói và đặc biệt là bằng những hành động cụ thể trong sinh hoạt hàng ngày. Chính cha mẹ phải là người nêu gương để trẻ nhận thức rằng, tuân thủ kỷ luật là điều cần thiết trong cuộc sống. Ở đây, có một áp lực mà cha mẹ cần phải vượt qua, đó là đừng rao giảng quá nhiều về việc tuân thủ kỷ luật, mà hãy giúp trẻ cảm nhận giá trị của kỷ luật thực tiễn từ đời sống.

Bên cạnh đó, nên giúp trẻ nhận thấy, chính cha mẹ là những tấm gương về kỷ luật và việc tuân thủ kỷ luật trước hết là tôn trọng chính mình. Khi bạn thất hứa với con hay dễ dãi trong giao tiếp, công việc... thì yêu cầu hình thành tính kỷ luật của con trẻ sẽ rất khó được đáp ứng. Một yêu cầu cũng không kém phần quan trọng là hãy giúp trẻ rèn luyện hành vi một cách thường xuyên, liên tục. Sự động viên của người lớn với những hành động tuân thủ kỷ luật nghiêm túc của trẻ sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tích cực.

Suy cho cùng, việc rèn luyện tính kỷ luật cho con phải bắt đầu từ tình yêu thương của cha mẹ và hơn thế, tình yêu thương này có đích đến rõ ràng. Chắc chắn, chính những hành vi và thói quen được chú trọng rèn luyện từ thơ ấu sẽ là một trong những hành trang cần thiết cho mỗi cá nhân thích ứng và đứng vững trong cuộc sống khi trưởng thành.

  

CV Lý Thị Mai

(Phụ Nữ TPHCM - ngày 22/9/2009)
Nội dung cần tìm
  • Tất cả
  • Giải pháp bảo hiểm
  • Dịch vụ khách hàng
  • Tin tức
  • Tuyển dụng

Có phải bạn muốn tìm về

Tìm kiếm của bạn gần đây

Bạn có thể quan tâm: