Chuyên mục Kỹ năng làm cha mẹ - Quản lý chi tiêu của con
Có một nghịch lý trong mục tiêu quản lý con trẻ của các bậc cha mẹ là vừa muốn con phải tự lập, vừa muốn con phải "trình báo" mọi thứ với mình. Nhu cầu quản lý chi tiêu của con cái không nằm ngoài "mong muốn" trên. Tuy nhiên, không ít bậc cha mẹ lại quản lý việc xài tiền của con chỉ để thỏa mãn sự tò mò, thỏa mãn sự làm chủ của mình, chứ không hẳn do muốn hỗ trợ con quản lý tài chính. Có những bậc cha mẹ không quan tâm đến việc con mình có bao nhiêu tiền, con mình cần tiền để làm gì, sử dụng những khoản tiền đã xin hoặc cha mẹ cho như thế nào. Cả hai khuynh hướng trên đều là những sai lầm trong ứng xử với việc chi tiêu của trẻ.
Để quản lý chi tiêu của trẻ, hãy bắt đầu bằng việc khám phá nhu cầu cũng như thói quen chi tiêu của trẻ. Không thể trách những gia đình khó khăn, nhưng thực tế cho thấy, không ít gia đình có điều kiện lại không quan tâm rằng trẻ cũng có nhu cầu chi tiêu. Vì thế, trẻ bị "cấm cung" tuyệt đối với tiền. Từ đó, trẻ sẽ nói dối, thậm chí ăn cắp để thỏa mãn nhu cầu tiêu xài của mình.
Bên cạnh đó, cũng cần hướng dẫn trẻ sử dụng kèm theo giáo dục trẻ có nhận thức đúng đắn về giá trị cũng như "nguồn gốc" của đồng tiền. Đó là một trong những biện pháp giúp trẻ hiểu được một cách đích thực những khoản tiền mình có được và cũng là cách quản lý chi tiêu của con một cách chủ động để hướng dần đến sự tự quản lý của con trẻ.
Cũng không thể không đề cập đến việc cung cấp thông tin chủ động từ hai phía. Khi con cái cần những khoản tiền nhất định, nên tập cho chúng nói rõ ràng mục đích sử dụng. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng không nên yêu cầu con trình bày những dự định sử dụng tiền của mình như thế nào một cách quá chi tiết.
Mặt khác, cha mẹ nên dạy cho con thái độ trước đồng tiền, đơn giản vì thái độ của con người trước đồng tiền cũng là thái độ trước cuộc sống. Con trẻ sẽ dần hiểu rằng, cha mẹ có định hướng kỹ năng quản lý tài chính hay đang giúp đỡ mình để quản lý chi tiêu, và đang từng bước chuẩn bị cho sự độc lập nhất định của mình.
Một yêu cầu cũng tối cần thiết trong việc quản lý chi tiêu của con cái là hãy chủ động trao đổi với chúng về vấn đề tiền bạc thay vì để trẻ liên tục hỏi xin tiền. Cách này sẽ giúp trẻ hiểu rằng cha mẹ rất quan tâm đến việc giúp con "trang trải" những nhu cầu thường nhật, nhưng chính con phải luôn biết tự quản tài chính của mình.
Cuối cùng là hãy "nghiêm túc" và "sòng phẳng" với con vì đó là cơ sở để có thể quản lý tài chính của con một cách tốt nhất. Ở đây, cha mẹ vẫn phải áp dụng một cách mềm dẻo để đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau cũng như thái độ vừa phải trước vấn đề tế nhị này.
Quản lý chi tiêu của con đòi hỏi các bậc cha mẹ nên nhìn con mình như là một người lớn. Chính trẻ cảm thấy mình cần điều chỉnh thứ này hay thứ khác trong việc chi tiêu chứ không phải người lớn luôn giải quyết hoặc quyết định thay trẻ. Vì thế, cha mẹ hãy thực sự tinh tế và có định hướng khi quản lý chi tiêu của con để có thể giúp con biết ứng xử hợp lý với tiền bạc cũng như hình thành kỹ năng tự quản lý tài chính ngay từ khi còn chưa tự lập.
Ths Võ Thị Tường Vy
(Phụ Nữ TPHCM - ngày 1/9/2009)