Bê tông mềm lại đất thanh long
Tư duy về cây cỏ, sự sống muôn loài có phần được quốc tế hóa khi những người bạn trẻ đến từ Nhật Bản cũng tham gia các hoạt động này.
Hai người Nhật
Ngày đầu tiên đến Hàm Thuận Nam, trong nhóm người hoạt động vì môi trường có Takahama Yoshihito, 36 tuổi và Nagai, 26 tuổi, người Nhật (hiện sống ở TP HCM). Ngay sau cái bắt tay giữa ông Trần Đình Quân - Phó Tổng giám đốc điều hành Dai-ichi Life Việt Nam và ông Lê Thanh Hoàng-Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam, bắt đầu một cuộc đồng hành về môi trường, Takahama Yoshihito cùng các bạn Việt Nam đã ùa ra trồng cây ngay trên mảnh đất có tượng đài các anh hùng liệt sỹ.
Yoshihito cho rằng, trồng một cây xanh là để cung cấp thêm khí ô xy cho con người, dù ở Việt Nam vẫn còn nhiều cây xanh. Là người quen với những thuật toán, con số trong ngành bảo hiểm, song Yoshihito cũng tỏ ra rất thuần thục với việc cầm cuốc cào đất, trồng cây. Yoshihito kể: Đây là lần thứ hai anh tham gia chương trình bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Lần đầu tiên là tại Nha Trang.
"Hành động được coi là bảo vệ môi trường trước tiên là vứt rác đúng nơi quy định, phân loại rác rạch ròi để tái chế. Nước Nhật trong quá trình phát triển kinh tế khá dài cũng chỉ mới chú ý đến việc bảo vệ môi trường trong những năm gần đây.
Đa số người Nhật đã biết loại bỏ các thiết bị, đồ dùng thải khí CO2, hạn chế dùng khoáng sản hoá thạch. Việt Nam sẽ còn phải vượt qua một khoảng cách nữa mới đến giai đoạn mà người dân làm việc gì cũng nghĩ đến bảo vệ môi trường giống như người Nhật.
Việc chúng tôi tham gia đi bộ, trồng cây cũng tốt, nhưng sẽ là tốt hơn khi đa số người dân được tuyên truyền về môi trường, được dạy cách thức làm sao để giữ môi trường sống trong lành, phát triển bền vững…".
Dí dỏm nói về những chuyện tưởng như bé xíu nhưng đầy ý nghĩa về bảo vệ môi trường thông qua việc dạy con, Yoshihito cho hay, sống ở TPHCM, hằng ngày, anh vẫn dạy con bỏ rác vào thùng, đúng nơi quy định, dù xung quanh người ta làm khác. Ở Việt Nam, nhiều người vẫn quen quăng rác ra nơi công cộng khá tự nhiên…
Tham gia chương trình vì môi trường này, Nagai, một thanh niên 26 tuổi đến từ Tokyo có cách nghĩ cũng khác. Nagai học tiếng Việt hai năm tại trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, sau đó làm việc cho Dai-ichi Life Việt Nam. Nagai cho rằng, vấn đề môi trường ở Việt Nam đang đối mặt đó là rác và chặt phá cây.
"Thay đổi thói quen xả rác, tiêu hủy rác trong môi trường tự nhiên rất khó. Cần dạy cho trẻ nhỏ ý thức bảo vệ môi trường ngay từ nhỏ bằng cách tự mình làm gương cho trẻ. Khu vực nông thôn Việt Nam rất là đẹp, nên bảo vệ…"- Nagai nói bằng tiếng Việt. Trong ngày đầu tiên của chương trình đồng hành vì môi trường, Nagai cũng đi bộ, nhặt rác…
Phát triển cọc bê tông, giữ rừng
Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam-Lê Thanh Hoàng sau khi tham gia đồng hành vì môi trường, đứng trong khuôn viên đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ vừa được trồng thêm cây, ông Hoàng kể về việc trồng và bảo vệ rừng: Hàm Thuận Nam là đất trồng thanh long đặc sản nổi tiếng thế giới nên việc bảo vệ môi trường, cây cối cũng mang những ý nghĩa riêng.
Thanh long có xuất xứ ở Hàm Thuận Nam bây giờ còn là thanh long bảo vệ rừng. Đơn giản vì dân đã phát triển cây thanh long bằng cọc bê tông thay vì cọc gỗ, thân cây. Cả huyện Hàm Thuận Nam hiện có 7.000 ha thanh long cơ bản đã dùng hoàn toàn cọc bê tông. Trước đây, người trồng thanh long phải dùng trụ gỗ to, cao 2,5m, đảm bảo chống đỡ cho thanh long trong thời gian sinh trưởng dài.
Phần lớn trong số đó là gỗ rừng. Đổi mới nhận thức về môi trường, người dân ở đây đã dùng cọc bê tông để trồng thanh long thay vì cọc gỗ. Theo tính toán, 7.000 ha thanh long của huyện từng xài hết 700.000 cọc gỗ. Nếu 10 năm qua, người dân Hàm Thuận Nam vẫn phải dùng trụ gỗ để chống đỡ thanh long thì số lượng cây gỗ hao tổn để đổi lấy thanh long sẽ gấp nhiều lần con số này.
Không ít người đến Hàm Thuận Nam cũng như nhiều huyện ở tỉnh Bình Thuận đã hết lời khen ngợi người nảy ra sáng kiến đúc cọc bê tông trồng thanh long thay vì dùng cọc gỗ. Sự sáng tạo cọc bê tông cho nông dân trồng thanh long gắn với mục tiêu giữ rừng, môi trường cả chục năm qua bây giờ tiếp tục được những người trẻ ở nhiều tổ chức, doanh nghiệp tìm đến đây tôn vinh và hưởng ứng.
Chứng kiến đại diện Dai-ichi Life Việt Nam trao khoản tiền cho chính quyền huyện Hàm Thuận Nam để góp phần bảo vệ môi trường, tôi cứ ước giá như một phần nhỏ xíu trong số đó được trao cho người đầu tiên nghĩ ra việc đúc cọc bê tông trồng thanh long.
Thăm ngọn hải đăng 115 tuổi
Có vẻ không phải ngẫu nhiên người nghĩ ra điểm chốt của hoạt động team building (xây dựng đội ngũ nhóm làm việc hiệu quả) do Dai-ichi Life Việt Nam tổ chức, có nội dung bảo vệ môi trường là mũi Kê Gà. Nơi đây tọa lạc một cây đèn biển 115 tuổi. Đèn biển này do Pháp xây dựng. Hằng đêm, ánh sáng của đèn (tích tụ từ năng lượng mặt trời) quét xa 40 dặm trên mặt biển.
Đèn biển là cột mốc của sự ra đi và trở về của những ngư dân đất Bình Thuận đang đánh bắt cá trên biển, kể cả những người đang đành lòng phải đánh cá bằng nghề giã cào. Quanh mũi Kê Gà, cả trăm hộ dân sống bằng nghề chài lưới mắt nhỏ. Hằng ngày, họ kéo lưới, bắt và tận diệt từng sinh vật bé nhỏ do phải đánh bắt gần bờ.
Chúng tôi đến mũi Kê Gà, theo cuộc chơi team building vào ngày hôm sau, từng nhóm phải bắt vài ba con mực, cá nhỏ từ lưới của ngư dân, tự bắc bếp nướng cá, mực để chúng quắt lại, toát ra mùi thơm lừng nhưng không ai được ăn!
Việc hoá kiếp những con mực nhỏ còn sống vừa được bắt từ biển lên chỉ để thăng hoa cho nhận thức của người chơi. Đó là: bắt chúng chết để nhận thức về sự tuyệt chủng. Bắt cá, mực phải chết từ khi còn rất nhỏ để những người trẻ chưa bao giờ lặn biển, mò tôm sống dậy ý thức về những loài thủy sinh đang bị tận diệt từ quá sớm!
Leo lên thuyền thúng, chúng tôi tiến về ngọn hải đăng. Một cuộc vật lộn trên thuyền thúng để ra với ngọn đèn biển cao tuổi vào loại nhất nhì Đông Nam Á. Mũi Kê Gà bé tẹo, nhiều mép đá lởm chởm. Những người chơi team building ra đến chân đèn biển chỉ cần chụp một bức ảnh đánh dấu sự hiện diện của mình thì sẽ được cộng thêm 200 điểm vào kết quả.
Ý nghĩa của việc cộng điểm không dành cho tinh thần vượt khó, ẩn nghĩa sâu xa của nó nằm ở chỗ đứng ở chân đèn biển - ngọn đèn thân thiện môi trường này - người ta sẽ nhận ra một ý nghĩa khác về ý thức bảo vệ môi trường.
Người Pháp xây dựng ngọn hải đăng này bằng vật liệu mang từ Pháp sang, kể cả ngọn đèn biển. Trong khi xây dựng, nhiều người đã bị tai nạn và chết. Tại nơi xảy ra những cái chết đó, người Pháp đã mang hoa sứ sang trồng thành hai dãy, bây giờ những cây hoa sứ ở đây đã là sứ cổ thụ. Ăn vị mặn chát của gió biển, sứ vẫn nở hoa hằng ngày, cây hoa sứ ở đảo chẳng biết từ lúc nào đã được đặt tên là hoa môi trường.
Trước khi tạm biệt mũi Kê Gà kết thúc hai ngày hoạt động hướng đến sự bảo tồn các loại sinh vật, chúng tôi tự do thăm những hoạt động của ngư dân. Hình như nơi đây vẫn còn thiếu sự hỗ trợ của những chính sách lớn cho phát triển nghề đánh cá. Những người đi biển ở đây vẫn hằng ngày phơi, vá lưới mắt nhỏ ngay bên mép biển. Một ngư dân cho biết, họ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong đánh bắt cá, cá bắt được toàn là cá nhỏ và đã dần cạn kiệt…
Minh Duy
(Báo Tiền Phong - ngày 7/12/2010)