Bài viết tham dự cuộc thi "Trò chuyện với con" - Thời đại nào cũng cần

27/10/2009

Chia sẻ bài viết:

Con nói thế mới lạ! Mặc hàng hiệu, khỏi phải may thì mẹ đồng ý nhưng chẳng lẽ mỗi lần quần áo chồng/con của con đứt nút, sứt khuy lại mang sang nhờ cô thợ may hàng xóm à? Con nên nhớ, những chuyện nhỏ nhặt ấy thể hiện tình thương yêu và sự quan tâm chăm sóc của người phụ nữ đối với gia đình. Nó để lại một dấu ấn, một tình cảm sâu sắc cho chồng/con.

Con nhờ (hoặc mướn) cô thợ may hàng xóm. Chồng/con của con cũng nhờ cô thợ may hàng xóm; thế thì con sẽ là người thừa. Hình ảnh của con trong mắt chồng/con dần dần cũng được thế bằng hình ảnh thân yêu của... cô hàng xóm! Đó là hệ quả tất yếu mà con phải thấy trước.

Còn chuyện tập tành bếp núc? Đúng là bây giờ nếp sống công nghiệp và kinh tế khá giả, người ta thường ăn cơm tiệm, nhà hàng. Nhưng cũng là thỉnh thoảng thôi chứ đâu phải luôn luôn hả con? Chính những bữa cơm gia đình tạo sự gắn bó, thể hiện tình yêu cho nhau mà người vợ, người mẹ đóng vai trò nòng cốt.

Con bảo là con sẽ mướn Ôsin nấu nướng, may vá à? Ôsin chỉ giúp đỡ con chứ không thể thay con đóng vai trò làm vợ và làm mẹ! Chồng/con của con sẽ tự hào có người vợ, người mẹ khéo tay, nấu ăn ngon, nhất là những khi có khách. Và khi nấu nướng là con đã gửi cái tình vào trong đó. Con không chỉ nấu cơm nấu canh mà là nấu chất keo gắn kết con với chồng, với con cái, với gia đình.

Hồi mới cưới, cha mẹ sống chung với ông bà nội. Mỗi lần ăn món gì ngon, cha thường hỏi mẹ một cách sung sướng: "Em nấu đó hả? Anh không ngờ em khéo quá”. Cha cũng thường hỏi bà nội: "Mẹ coi vợ con nấu ăn có ngon bằng mẹ không?". Bà nội thường mắng yêu: "Vợ thằng Thanh coi đó! Thằng Thanh nó muốn hỏi vợ con nấu ăn có ngon hơn mẹ hôn lại còn bày đặt khiêm nhượng. Mồ tổ mày!" Nhờ vậy mà bữa ăn nào cũng tràn ngập yêu thương...

Mẹ nghĩ thời đại nào phụ nữ cũng cần công dung ngôn hạnh. Có điều mỗi thời thay đổi đôi chút. Bây giờ có ai bắt con phải thủ tiết thờ chồng, có ai bắt con phải phu xướng phụ tùy đâu, nhưng chuyện may vá bếp núc không những là nghĩa vụ, mà còn là niềm vui của phụ nữ đối với gia đình, thời đại nào mà không cần? 

Nguyễn Thị Mai (GV trường Hồng Bàng - Q 5)

(Phụ Nữ TPHCM - ngày 27/10/2009)
Nội dung cần tìm
  • Tất cả
  • Giải pháp bảo hiểm
  • Dịch vụ khách hàng
  • Tin tức
  • Tuyển dụng

Có phải bạn muốn tìm về

Tìm kiếm của bạn gần đây

Bạn có thể quan tâm: